Nằm khiêm tốn giữa những cửa hiệu sang trọng nơi phố Lò Rèn sầm uất, góc nhỏ bé bằng đúng manh chiếu với tấm biển giản dị “Hùng Lò Rèn” như một chút dấu ấn xưa cũ còn sót lại cùng tên phố đã không còn giữ nghề truyền thống như biết bao phố Hàng ở Hà Nội.
Chủ nhân của ngổn ngang sắt thép với bễ lò không nghỉ suốt bao năm qua là ông Nguyễn Phương Hùng, thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề thợ rèn. Từ 8 giờ sáng người thợ đã mở cửa hàng, vừa trêu đùa khách cười nói như pháo rang, thoăn thoắt đóng búa. Bước sang tuổi 54, ông Hùng tiếp quản ghế thợ cả của cha đã được hơn hai mươi năm. Ông vẫn nhớ như in cảm giác ngày còn là cậu bé 6 tuổi đã mon men ra lò rèn phụ quay bễ, quét dọn giúp bố và ông nội. Nghề thợ rèn đi vào tâm trí qua lời ông nội kể, “Người làng Canh (Từ Liêm) có gánh bễ lò đi khắp nơi kiếm sống bằng nghề rèn thuê nông cụ. Sau di cư đến phố Hàng Bừa mở nhiều lò rèn kiếm sống, nghề đã làm ra tên phố Lò Rèn”.
Vì thấm thía cái vất vả của người thợ rèn, ông Hùng không có ý định theo nghề. Gia đình đông anh em đều lựa chọn “đi thoát li”, quá neo người nên đến năm 15 tuổi ông bắt đầu phụ việc cho cha. Bước vào tuổi 20 đã là một thợ lành nghề, “Thế mà vì suy nghĩ sẽ vất vả, nhem nhuốc, tôi vẫn bỏ nghề để học trung cấp cơ khí giao thông làm thợ sửa ô tô. Ngày ấy, sửa ô tô oai lắm!”. Cuối cùng số phận sắp đặt ông vẫn quay trở lại với ghế thợ cả của cha. Ban đầu chỉ để mưu sinh nhưng càng làm ông càng yêu mến cái nghề nhem nhuốc, vất vả này.
Vừa nhóm bễ lò cho ngày mới, ông vừa lí giải: “Nhìn thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được thợ rèn. Phải có cái tâm, sự dẻo dai và sức chịu đựng. Người thợ giỏi còn cần kinh nghiệm để hiểu được yêu cầu của khách hàng”. Giữa thời buổi máy móc hiện đại, ông Hùng vẫn tự tin khi không ít sản phẩm không thể làm hàng loạt bằng búa máy mà cần sự dày công, tỉ mỉ của người thợ rèn.
Quanh quẩn với cái góc nhỏ bé 4m2, bễ lò hơn chục năm này mang lại cho ông Hùng niềm tự hào: “Là người duy nhất mà cũng có thể cuối cùng giữ được lò than rực hồng trên phố Lò Rèn”.
Yêu là vậy nhưng ông Hùng cũng không cho con trai theo nghề bởi “Nghề này, quanh năm không dám mặc một bộ quần áo đẹp. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Tôi chỉ làm rèn đến hết đời mình nữa là thôi”. Hai con ông đều đã trưởng thành và có công việc ổn định, con gái ông thậm chí không phân biệt nổi lò với bễ. Nếu không có ai học và theo nghề khi ông Hùng ngưng tay búa, rời xa lò bễ thì “Lò Rèn” có lẽ chỉ còn là cái tên nhắc về quá khứ. Nghề làm ra tên phố nhưng trong nhịp sống hối hả hiện đại, con phố không thể giữ nổi nghề. ( Nguồn Đẹp Online )